Các bài giảng ngắn dưới 6 phút của Peter Norvig giúp người học nhớ tốt hơn so với những giờ thuyết trình dài liên miên.
Năm 2011, Giám đốc nghiên cứu Google và đồng nghiệp là những nhà khoa học, nhà giáo dục khởi nghiệp Sebastian Thrun cho ra đời lớp học miễn phí toàn cầu, giảng dạy một bộ môn mà ông đang phụ trách ở Đại học Stanford. Họ đã không ngờ lớp học này thu hút 160.000 lượt tham gia từ hơn 200 nước trên thế giới.
Peter Norvig là một nhà khoa học máy tính, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và tìm kiếm trực tuyến (online search), đồng thời đảm nhiệm vị trí Giám đốc nghiên cứu tại Google. Trước khi đầu quân cho công ty công nghệ này, ông từng làm việc tại phòng Khoa học Máy tính của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và là giảng viên đại học.
Nhà khoa học máy tính, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và tìm kiếm trực tuyến Peter Norvig.
Ý tưởng lớp học kiểu mới của ông xuất phát từ việc nhận thấy các giờ giảng của giáo sư và sinh viên đại học hiện nay được tổ chức không khác gì những lớp học từ thế kỷ 14. Đó vẫn là cảnh tượng giáo sư giảng bài với máy chiếu và ở phía dưới, một số lắng nghe, ghi chép còn một số ngủ gục cuối lớp, ngay cả ở Đại học Stanford. Cần phải có một hình thức giáo dục khác ưu việt hơn.
Lấy cảm hứng từ những bài học trực quan, tận tình mà mẹ dạy mình từ thuở nhỏ, Norvig cùng đồng nghiệp mong muốn tạo nên những bài giảng có tính tương tác cao, hiệu quả như cách học một kèm một nhưng lại áp dụng đồng loạt được cho số lượng lớn nhờ công nghệ, khoa học máy tính.
Peter Norvig giới thiệu lớp học miễn phí tại TED Talks
Hai nhà khoa học đã cho ra đời lớp học trực tuyến toàn cầu đầu tiên vào năm 2011 với chính bộ môn “Nhập môn Trí tuệ thông minh nhân tạo” ông giảng dạy ở Stanford. Theo đó, công nghệ học tập mới nằm ở điểm Norvig quay từng video mô phỏng hình ảnh một gia sư vừa ghi chép, vừa giải thích, đặt câu hỏi tương tác với học sinh duy nhất của mình. Các phần kiến thức lần lượt được chia nhỏ, tạo ra khoảng thời gian giúp người học đặt câu hỏi, luyện tập và có những tương tác khác trước khi tiếp thu phần mới. Những câu hỏi mở sáng tạo của sinh viên luôn được khuyến khích không khác gì một giờ thảo luận trên giảng đường. Hiệu quả mà chuỗi video gia sư một kèm một này được ghi nhận tương đương hoặc tốt hơn lớp học truyền thống.
Ông cũng chỉ ra, ưu điểm cũng là khuyết điểm lớn nhất của các lớp học trực tuyến là sự linh hoạt thời gian khiến người học thoải mái sắp xếp lịch học nhưng cũng dễ dàng cho phép bản thân trì hoãn, dần dần từ bỏ việc học. Vì thế, các bài học đều đính kèm thời hạn xem và yêu cầu hoàn thành bài tập trước một mốc thời gian. Bên cạnh đó, để mở ra một không gian trao đổi giữa các học viên với nhau, ông thành lập, hỗ trợ các diễn đàn thảo luận về các đề tài liên quan. Các thành viên có chung tiến độ học tập nên lại càng thuận lợi hơn khi tham gia những diễn đàn này. Lớp trực tuyến được thiết kế để tận dụng cả những ưu điểm của hình thức giáo giục truyền thống – tương tác nhiều với người giảng lẫn bạn học, đặt ra các quy tắc và thời hạn để tạo động lực học tập.
Sau hai tuần mở lớp, ông và cộng sự nhận được hơn 50.000 lượt đăng ký và số lượng còn tăng lên 160.000 người, phủ sóng hơn 200 quốc gia. Sau 10 tuần mở lớp, quá nửa sinh viên xem ít nhất một bài giảng mỗi tuần và hơn 20.000 người hoàn thành hết các bài tập trong chương trình – con số cho thấy năng suất vượt trội của hình thức giáo dục trực tuyến. Từ chính khởi đầu thuận lợi mà người đồng sáng lập lớp học này của Norvig, Sebastian Thrun đã thành lập website giảng dạy trực tuyến Udacity không lâu sau đó còn bản thân Norvig là giáo viên tại đây. Lớp “Nhập môn Trí tuệ thông minh nhân tạo” hiện vẫn duy trì trên Udacity với hơn 100.000 người học. Norvig tin rằng máy tính đang trên đà tạo ra một cuộc cách mạng giáo dục toàn thế giới trong những năm tới đây.
Nguồn: Thu Ngân (theo TED Talks)